★★★ Truyền Thuyết Tháp Pôshanư
- Trong truyền thuyết dân tộc Chăm, lịch sử ra đời của Tháp gắn liền với chuyện tình đầy hạnh phúc nhưng cũng rất thương đau của công chúa Pôshanư và lãnh chúa Po Sahaniempar. Chuyện kể rằng: Vượt qua bao cấm đoán hà khắc của luật tục tôn giáo Chăm thời bấy giờ. Công chúa Pôshanư đã đem lòng yêu thương và quyết định kết tóc se duyên với lãnh chúa Po Sahaniempar một người theo đạo Hồi giáo ở vùng Ma Lâm. Trong những ngày sống hạnh phúc và đã cùng nhau xuống vùng Phú Hài (Phan Thiết) vận động nhân dân xây tháp trên đồi Bianneh (Mũi Né). Thái tử Podam, em ruột của Pôshanư từ lâu đã không muốn chị mình lấy một người chồng ngoại đạo. Nhân một chuyến hành hương về Ấn Độ của Po Sahaniempar theo luật Hồi giáo, Podam đã bày mưu chia rẻ hai người. Chàng Po Sahaniempar sau thời gian hành hương trở về không thấy vợ ra đón theo lời hẹn ước, cho rằng bà đã phản bội nên từ bỏ ra đi về phía nam, mang theo trong lòng một mối hận. Khi Pôshanư tìm đến để nói lời thanh minh, thì ông đã trao gởi trái tim tình yêu cho nàng Chargo người dân tộc Raglây ở vùng Núi Ông – Tánh Linh. Những năm tháng cuối đời bà Pôshanư đã sống một mình thanh thản tại Bianneh. Người Chăm đời sau tạc tượng Bà và thờ Bà trong tháp. Ngày xưa, hàng năm cứ đến mùa Katê, đồng bào lại tụ về bên tháp thắp hương tưởng niệm và vui chơi, múa hát bên Bà, đón mừng năm mới.Sau năm 1975 đến nay, tháp bà Pôshanư được nhiều lần trùng tu bảo tồn với sự đóng góp công sức và trí tuệ của các chuyên gia trong và ngoài nước và đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hoá. Hiện nay hàng ngày tháp vẫn mở cửa đón du khách thập phương đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá mà những nghệ nhân và những người thợ xây dựng Chămpa đã mang theo vào cõi vĩnh hằng. Họ cũng đến để tưởng nhớ đến bậc tiền bối đã có công vận động xây dựng tháp, đóng góp vào kho tàng văn hoá Việt Nam một tác phẩm kiến trúc như một bông hoa đẹp: Bà Pôshanư.
★★★ Mộng Cầm cùng chuyện tình Hàn Mặc Tử
- Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày thi nhân bất hạnh Hàn Mặc Tử qua đời ở tuổi 28 bởi căn bệnh phong quái ác tại Quy Nhơn, câu chuyện tình thực hay mơ của Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm luôn được các nhà báo, nhà văn khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Cũng có thể vì lời đồn đại lưu truyền: năm xưa lên Lầu Ông Hoàng ngắm trăng, xung quanh là nghĩa địa, bãi tha ma nên khi trú mưa, do mả đất người mới chôn xuất hiệu ma trơi (lân tinh) như sao rơi khiến Hàn Mặc Tử bị nhiễm mà phát bệnh cùi... Người xưa từng có câu nói nổi tiếng: Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận, chuyện ma ở đất Bình Thuận đến nay vẫn nhiều vô số kể. Hơn nữa, ngày nay khách du lịch lên đồi Bà Nài sẽ nhìn thấy khu nghĩa địa bên trái Tháp Chăm, chủ yếu bằng mả đất, sau này thời Mỹ và sau giải phóng mới có mả xây gạch đá, vôi vữa. Nhưng ngày xưa, tìm đâu ra một ngôi mộ xây cất hoành tráng có thể trú mưa?
- Vô hình chung "người tình" nữ sĩ Mộng Cầm trở thành một nguyên nhân gây nên điều bất hạnh cho Hàn thi sĩ dù không hữu ý. Sau đó, vì muốn bảo vệ cuộc sống riêng tư và hạnh phúc riêng của mình, nên bà đã trả lời trên một tờ báo sau ngày Hàn Mặc Tử mất 20 năm (1961) về câu chuyện ngày xưa, đã gây nên một làn sóng phản đối trên thi đàn, văn đàn kể cả những bạn thơ và những người thân hữu nhất. Suốt một thời gian khá dài sau ngày giải phóng đất nước, căn cứ theo sách báo để lại mà người đời thêu dệt lên vô vàn chuyện thực hư về "nàng thơ" của Hàn Mặc Tử, mặc dù trong số những người viết, họ chưa bao giờ gặp bà Mộng Cầm. Nghi án trên văn đàn ngày trước không chỉ có một thi nhân ẩn danh tên T.T.K.H mà còn thêm một nghi án: Mộng Cầm có phải là người yêu của Hàn Mặc Tử hay không?
** Chuyện ngày xưa là chuyện ngày xưa: Bà Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, sinh vào tháng 5/1917, gốc gác người Nghệ An, quê quán ở vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Theo các tài liệu để lại, thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho các tờ “Trong khuê phòng, “Công Luận”, “Sài Gòn”.
- Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi hẹn hò, lãng mạn để rồi một ngày cuối tuần năm 1936, chàng đi tàu lửa ra Phan Thiết tìm nàng. Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử. Trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Phổ thông số 63, ra ngày 15/8/1961, bà Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử “chỉ lả mối tình văn thơ”. Bà xác nhận, có đi chơi trên Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử gặp một trận mưa lớn, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa.
- Bà kể tiếp: “Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường xuyên. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều Chủ Nhật lại vào Sài Gòn trong hai năm 1934- 1935 và vài tháng đầu năm 1936 trước khi Hàn Mặc Tử ra Huế thăm người trong mộng Hoàng Cúc – “Đây Thôn Vỹ Dạ” rồi lâm bệnh quay vào Quy Nhơn chữa trị đến khi trút hơi thở sau cùng.
- Trong một dịp thứ Bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: “Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng”. Anh hỏi lý do, tôi viện lẽ gia đình anh theo đạo Công giáo, nhà tôi theo đạo Phật... Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà, và trong nhiều bức thư anh có đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời thư, nhưng luôn tìm cách từ chối”.
- Những ngày dài nằm chữa bệnh, Hàn Mặc Tử đã sáng tác nhiều bài thơ đau đớn đầy nước mắt và mối tình này như: “ Muôn năm sầu thảm” đã kêu tên nàng một cách thảm thiết: “Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm/ Nhớ thương còn một nắm xương thôi”. Bài “Phan Thiết Phan Thiết”, nhắc kỷ niệm xưa về Lầu Ông Hoàng:
"Ta lang thang tìm tới chồn lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ơi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi".
- Đã có gần 80 năm trôi qua, nhưng thời gian vẫn không xoá nhòa được những vẻ đẹp rực rỡ của hình bóng giai nhân, của "nàng thơ" kiều diễm ám ảnh cả cuộc đời nhà thơ trẻ bất hạnh:
“Lệ Kiều ơi! Em còn giữ ý thơ
Trong đôi mắt mùa thu trong leo lẻo
Ở xa xôi lặng nhìn anh khô héo
Bên kia trời hãy chụp cả hồn anh. "