Chùa Thiên Vương Cổ Sát với chiếc bàn xoay kỳ diệu
Chùa Thiên Vương Cổ Sát
★ Vị trí: Chùa Thiên Vương Cổ Sát tọa lạc trên đồi Rồng, tại số 385 đường Khe Sanh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 5km về hướng đông bắc.
Đặc điểm: Chùa theo hệ phái Phật giáo Huê Nghiêm của Trung Quốc.
★ Chùa Tàu hay chùa Phật Trầm có tên gọi đầy đủ là chùa Thiên Vương Cổ Sát. Chùa được Hòa thượng Thọ Dã thuộc Hội quán Triều Châu xây dựng năm 1958 gồm 3 gian nhà bằng gỗ lợp tôle. Năm 1989, ông Lê Văn Cảnh đã đứng ra trùng tu xây dựng. Lúc này ngôi nhà giữa đã được tháo dỡ nhằm tạo không gian thông thoáng cho hai tòa nhà còn lại.
★ Ngay giữa Từ Tôn Bảo Điện có điện phật Di Lặc, cao chừng 2,5m và tượng phật Thích Ca cao 0,5m. Tại 4 góc Bảo Điện có tượng Tứ Đại Thiên Vương cao 2,6m được đúc bằng xi măng. Qua một khoảnh sân là đến Minh Quang Bảo Điện, tại đây thờ Tây Phương Tam Thánh gồm các tượng A Di Đà Phật ở giữa, Quan Thế Âm Bồ Tát bên trái và Đại Thế Chí Bồ Tát bên phải. Đây là những bức tượng quí được tạc từ gỗ trầm, cao 4m và nặng 1,5 tấn do Hòa thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Kông năm 1958. Nơi đây cũng còn hai tượng Văn Thù và Phổ Hiền ở hai bên vách bảo điện. Phía sau chùa, nơi trước đây là cốc của nhà sư Thọ Giã, đã xây dựng Thích Ca Phật Đài cao chừng 10m thật đẹp giữa đồi thông lộng gió. Hiện chùa chỉ có bà Diệu Anh phụ trách hoa, đèn và đọc kinh.
★ Tham quan một vòng xung quanh ngôi chùa du khách không thể quên khám phá chiếc bàn xoay nổi tiếng kỳ diệu, được đặt trong chùa. Chiếc bàn xoay có màu nâu sẫm, cao chừng 80 cm, thân là trục gỗ tròn được tiện theo hình bình hoa, đáy bình gắn 3 chân lượn sóng tiếp đất, miệng bình là miếng gỗ vuông được gắn 12 trụ nhỏ tiện hình bình hoa. Trên 12 trụ này là miếng gỗ hình vuông khớp nối khéo léo với mặt bàn hình tròn được bào nhẵn. Điểm đặc biệt của chiếc bàn là toàn bộ đều làm bằng gỗ, không sử dụng vật liệu nào khác như đinh, ốc vít,.. mà chỉ dùng mộng để ghép các phần lại với nhau.
★ Điều thú vị nhất về chiếc bàn chính là khả năng tự xoay bằng sự cảm ứng từ bàn tay người thường. Chỉ cần úp hai bàn tay lên mặt bàn trong chốc lát cảm nhận chiếc bàn khẽ giật giật dưới tay, mặt bàn chuyển động nhẹ xoay từ từ rồi nhanh dần. Khi bàn đang xoay nhanh, lật ngửa bàn tay trên mặt bàn, lập tức mặt bàn sẽ xoay theo chiều ngược lại, khi bỏ tay ra thì chiếc bàn cũng dừng lại. Nhiều vị du khách tò mò với tính năng lạ kỳ của chiếc bàn nên thử nhiều lần với các kiểu xoay, số lượng người khác nhau nhưng chiếc bàn vẫn đều xoay theo ý muốn.
★ Lý giải cho hiện tượng này nhiều nhà nghiên cứu đã bỏ công tìm hiểu nhưng cho tới nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học hay một kết luận chính thức nào được đưa ra. Ngay đối với những người đã từng tạo ra chiếc bàn cũng không thể hiểu tường tận về nguyên nhân tại sao chiếc bàn có thể quay được. Chính những điều này càng làm tăng lên sự bí ẩn và thú vị của chiếc bàn xoay, đồng thời cũng ngày càng thu hút sự quan tâm của những ai đã từng một lần nghe đến “Chiếc bàn xoay kỳ diệu”.
★ Hàng năm thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng bởi nơi đây không chỉ sở hữu khí hậu và khung cảnh thơ mộng như một Paris thu nhỏ, mà còn hấp dẫn bởi rất nhiều công trình độc đáo có một không hai. Trong số những nơi được du khách yêu thích kham phá như XQ Sử Quán Đà Lạt, Biệt Điện Trần Lệ Xuân, Thiền Viện Trúc Lâm,…không thể không nhắc đến chùa Thiên Vương Cổ Sát với chiếc bàn xoay kì bí đã làm biết bao người trầm trồ thán phục.