Văn hóa lễ hội đặc sắc tại Vũng Tàu
1. Lễ hội nghinh Ông Lễ hội Nghinh Ông là loại lễ hội nước lớn nhất của ngư dân. Những người dân vùng ven biển tôn vinh cá Ông (cá voi) như một vị thần thiêng liêng, chỗ dựa tinh thần mỗi khi ngư dân gặp sóng to gió lớn, con người bị đe doạ… Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương.
Lễ hội không chỉ là ngày Tết của riêng ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn là điểm hẹn của hàng chục ngàn du khách từ các tỉnh, thành lân cận như: TP.HCM, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu…và du khách nước ngoài.
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu đã được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Ngày 1.10, diễn ra lễ rước dưới biển, đoàn Nghinh Ông khởi hành từ cảng Cầu Đá (Bãi Trước) đến miếu Hòn Bà – mũi Nghinh Phong. Sau đó, diễu hành qua nhiều tuyến đường để về lại Đình thần Thắng Tam.
Ngày 2.10, lễ hội tiếp tục diễn ra với nhiều nghi thức cúng cầu ngư, cầu quốc thái dân an, cầu cho người dân được ấm no hạnh phúc, đánh bắt được nhiều tôm cá…Cùng với các nghi thức quan trọng như lễ Nghinh Ông, lễ cúng tiền hiền, cúng Ông Nam Hải và biểu diễn hát bả trạo, tuồng cổ. Du khách đến với lễ hội còn được tham gia các trò chơi dân gian mang đặc trưng miền biển, như: bơi biển, chạy tiếp sức trên cát, gánh cá chạy trên cát, đan lưới…
2. Lễ hội Dinh Cô
Dinh Cô là một công trình kiến trúc uy nghi, được xây dựng trên một diện tích rộng lớn vào cuối thế kỷ XVIII, nằm bên sườn đồi nhỏ, trước mặt là bãi biển Long Hải.
Theo truyền thuyết kể rằng: cách đây 200 năm có một cô gái trẻ tên Lê Thị Hồng (tục danh là Thị Cách) quê ở Phan Rang trên đường đi qua đây thuyền gặp giông bão, cô bị rớt xuống biển tử nạn, xác trôi dạt vào Hòn Hang. Nhân dân vùng này đã chôn cất cô trên đồi Cô Sơn và lập đền thờ gần biển.
Từ đó cô luôn hiển linh, mộng báo điềm lành, diệt trừ dịch bệnh nên vào năm 1930 ngư dân trong vùng đã lập đền thờ và tôn xưng cô là “Long Hải Thần Nữ Bảo An Chánh Trực Nương Nương Chi Thần”, đền thờ được dời đến chân núi Kỳ Vân chính là Dinh Cô ngày nay. Tại đây vào các ngày 10, 11, 12 tháng 2 âm lịch hàng năm đều có lễ hội lớn.
Hàng ngàn du khách từ khắp nơi xa gần đổ về Long Hải để tham dự lễ hội và dâng hương tưởng niệm vong hồn vị Thần Nữ linh thiêng. Họ cầu nguyện cho năm mới tốt lành, đánh bắt được nhiều cá tôm và cuộc sống an bình.
Long Hải từ lâu đã được xem là một điểm đến du lịch hấp dẫn, bởi những vẻ đẹp tự nhiên của mình. Dù đến bất cứ đâu trong chuyến du lịch Long Hải, du khách cũng sẽ bị cuốn hút bởi phong cảnh của nơi đây.
3. Lễ hội Nam Hải
Lễ hội “Nam Hải Đại tướng Quân” Danh hiệu Cá Ông do vua Thiệu Trị ban tặng được tổ chức trùng với ngày Vía (ngày mất) của cá. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày, từ 16 đến 18 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Lế hội gồm có lễ cúng Ông, lễ nghinh Ông (đón cá). Nhiều ghe thuyền trang trí lộng lẫy, thắp đèn sáng trưng chạy vòng biểu diễn ngoài biển.
Những hình thức tế lễ cá Ông mang đậm màu sắc riêng của cư dân miền biển, nhưng trong lễ hội người ta cũng dành một buổi cúng Tiền Hiền, một buổi tế Thần Linh như việc tổ chức cúng lễ trong đình làng.
4. Lễ hội trùng cửu
Lễ hội Trùng Cửu được tổ chức tại Nhà Lớn Long Sơn, đây là lễ cầu an, cầu cho vạn dân bá tánh được mạnh khoẻ an lành, lễ hội diễn ra vào đêm mồng 8 và ngày 9/9 âm lịch.
Lễ hội không tổ chức linh đình, không rực rỡ cờ hoa, không rộn rã chiêng trống như nhiều lễ hội khác, lễ hội được tổ chức chu đáo, thể hiện đậm nét văn hóa của đạo Ông Trần (chủ yếu là dâng hương, cầu nguyện, và tưởng nhớ đến công đức của ông Trần)…nhưng vẫn thu hút được hàng vạn du khách thập phương hội tụ về, có trên 10 người viết liễn đẹp đã đến Nhà Lớn chuẩn bị hàng trăm bức liễn vuông và liễn dài phục vụ lễ hội, Nhà Lớn đã trang hoàng lại các khu nhà thờ, cửa ra vào bằng những câu liễn đỏ và chuẩn bị lễ vật, thức ăn, chỗ nghỉ phục vụ miễn phí khách thập phương.
Điều ấn tượng khác với du khách khi đến Long Sơn còn là hình ảnh những vị ông già, bà lão mặc quần áo bà ba đen, tóc búi tó gọn sau gáy như kiểu củ hành, những ai đã từng một lần đến Long Sơn đều công nhận nét cuốn hút của xã đảo này nằm ở di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Lớn và những phong tục tập quán cổ xưa. Những phong tục tập quán tốt đẹp có từ thời Ông Trần đến nay vẫn được bá tánh, những người theo đạo Ông Trần gìn giữ, lưu truyền và phát huy từ hàng trăm năm nay.