Món ăn tiếp đến phải thử là món Mắm ruột, là một đặc sản của vùng quê An Giang, món mắm ruột hấp dẫn nhiều du khách đến thưởng thức và mua về làm quà. Để làm ra món mắm ruột, người dân địa phương phải thực sự kỹ lưỡng và khéo léo trong khâu chọn nguyên liệu và ủ mắm. Ruột cá phải được chọn từ con cá to mập có chùm trứng to vàng.
Sau khi lấy được ruột cá thì đem trộn với thính gạo lức (bột gạo lức rang) cho vào hũ gài vỉ tre thật khít chặt. Sau đó, đổ nước mắm vào xâm xấp ướt rồi chờ khoảng một tháng, thắng đường thốt nốt để trộn mắm. Để chừng ba tháng sẽ cho ra một hũ mắm ruột với hương vị đặc trưng của vùng đất An Giang.
Du khách có thể thưởng thức mắm sống ăn kèm với rau thơm và ớt sừng. Mắm ruột ngoài ăn sống còn được chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu và vài lát gừng xắt mỏng tạo nên hương vị đậm đà khó quên. Những ngày mưa bão, cầm bát cơm nóng hổi mà ăn cùng món mắm ruột kho thì thật tuyệt.
Khi ghé qua huyện Chợ Mới- An Giang, chúng ta hãy ghé ăn thử món xôi phồng Chợ Mới.Nếp Chợ Mới với hạt tròn, vị ngọt, thơm, mềm, dẻo. Nếu kết hợp loại nếp này với đậu trồng trên đất rẫy địa phương sẽ tạo nên món xôi dẻo thơm.
Theo cách nấu xôi truyền thống của người dân địa phương, đậu và nếp được hấp chín đều, không nhão cũng không khô. Sau đó, người ta dùng chày quết nhuyễn hỗn hợp nếp và đậu lại cho thật dẻo, cho thêm chút dầu ăn để chống dính, tạo độ bóng. Cuối cùng, nhồi xôi, trộn đường, ép xôi và cho vào khay hoặc quấn lại thành cuộn tròn rồi chiên lên. Xôi chiên có màu vàng ươm, thơm, ăn rất ngon. Thực khách có thể thưởng thức xôi phồng riêng hoặc ăn kèm với gà luộc hay đem quay, chấm với tương ớt, xì dầu.
Nếu đang thắc mắc không biết du lịch Châu Đốc nên mua gì làm quà thì du khách nên chọn tung lò mò (hay còn gọi là lạp xưởng bò).
Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Người Kinh cũng ưa thích và có công thức để chế biến ra món tung lò mò gần giống người Chăm. Tuy nhiên, cách chế biến khác nhau cũng tạo ra mùi và vị khác nhau. Tung lò mò hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Du khách vào khu làng người Chăm ở Châu Đốc có thể dễ dàng nhìn thấy những sâu tung lò mò phơi đầy trước sân.
Tung lò mò được chế biến từ nhiều thành phần của thịt bò, không lẫn chút thịt heo nào. Hấp dẫn nhất là tung lò mò nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín, cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức. Thực khách có thể ăn tung lò mò chấm với muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Ngoài ra, du khách còn có thể ăn kèm rau sống hoặc ăn chung với bún, bánh mì.
Nhắc đến Top những món đặc sản An Giang không thể bỏ qua không thể không nói đến bánh phồng Phú Mỹ.
Tại thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nổi tiếng có làng nghề bánh phồng Phú Mỹ. Làng nghề này đã tồn tại và phát triển gần 70 năm nay. Rất nhiều du khách có dịp du lịch An Giang đã ghé mua bánh phồng Phú Mỹ về làm quà. Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào giòn rụm, béo béo trong miệng. Trong những kỳ hội chợ hay triển lãm tại các tỉnh An Giang, Cần Thơ, TP. HCM…
Bánh phồng Phú Mỹ đều có mặt trong gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của An Giang. Ngoài ra, làng nghề bánh phồng Phú Mỹ đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang công nhận là làng nghề truyền thống.
Cốm dẹp được biết đến là một đặc sản dẻo thơm của người Khmer ở An Giang. Nếu có dịp về An Giang trước mùa gặt, du khách sẽ có cơ hội nếm thử hương vị cốm mới của người Khmer.
Theo truyền thống vào mỗi vụ mùa trước khi thu hoạch lúa chín, người dân Khmer sẽ ra đồng gặt nếp về làm cốm dẹp đầu mùa. Để làm ra món cốm dẹp thì khâu ngâm nếp là quan trọng nhất. Ngâm nếp phải canh giờ đúng nếu không ngâm lâu hạt nếp sẽ mềm, cốm sẽ nhão. Nếu ngâm thời gian ngắn thì hạt nếp sẽ khô và cứng. Rang nếp phải là người quen tay và rang trong nồi đất để giữ nhiệt được lâu hơn. Khi nếp rang vừa nổ thì trút ra cối bồng (loại cối giống cối giã gạo ngày xưa nhưng được khoét rất sâu lòng) để giã.
Cốm dẹp khi làm xong có vị ngọt, thơm nồng, béo, bùi trong từng hạt nếp.
Bò bảy món núi Sam là một trong những món ngon đặc sản An Giang hấp dẫn nhiều du khách gần xa về thưởng thức.
Bò bảy món núi Sam, ý nói đến bảy món thơm ngon được làm từ nguyên liệu là thịt bò gồm lòng bò luộc, bò đun bánh hỏi, cháo đầu bò, bò khía bánh mì, bò xào lá giang, bò bít tết và bò lúc lắc. Để có được những đĩa thịt bò ngon và chất lượng, đầu bếp địa phương đã phải cất công lựa chọn những con bò tơ còn sống, thịt săn chắc, tươi ngon. Thịt bò ở đây mềm, có vị ngọt tự nhiên nên chế biến theo kiểu nào cũng ngon và hấp dẫn. Trong đó, món bò xào lá giang được nhiều thực khách lựa chọn khi du lịch An Giang. Bò xào lá giang có vị ngọt của thịt bò hòa quyện với vị chua thanh của lá giang, vị cay của tiêu, ớt, vị béo bùi của đậu phộng… khiến thực khách mê mẫn. Nếu có dịp du lịch miền Tây về An Giang du khách nên dành thời gian để nếm thử mùi vị bò bảy món núi Sam.
Bánh bò thốt nốt Châu Đốc được nhiều du khách mua về làm quà khi du lịch đến đây. Món bánh này được làm từ các nguyên liệu chính như bột gạo, bột thốt nốt, đường thốt nốt và nước cốt dừa.
Công đoạn làm bánh đòi hỏi nhiều kỹ thuật và sự khéo léo tinh tế. Bánh bò thốt nốt khi hoàn thành có màu vàng ươm, gói trong lá chuối xiêm, phía trên rắc dừa nạo, trông khá hấp dẫn.
Khi ăn, du khách có thể rưới thêm nước dừa sền sệt. Từ quả thốt nốt, người dân An Giang còn làm ra nhiều món ngon hấp dẫn như món cơm thốt nốt ướp đường, thốt nốt ướp lạnh, bánh gói thốt nốt, rượu thốt nốt, v.v…
Bún cá là món ăn dân dã nổi tiếng ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Nhiều du khách sau khi đi du lịch An Giang về đã dành lời khen về món bún cá này.
Cách nấu bún cá không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công. Nước lèo cho món bún cá được nấu từ nước luộc cá. Nồi nước lèo phải trong, có vị ngọt của cá và đặc biệt không tanh. Cá sau khi luộc chín thì vớt ra gỡ bỏ phần đầu và xương cá. Phần nạc cá sẽ được ướp gia vị cùng bột nghệ và xào sơ cho thấm. Tô bún cá dọn ra bắt mắt với màu vàng ươm của cá lóc đồng thêm ít bắp chuối cắt mỏng, rau răm, rau muống trộn vào ăn. Du khách được một lần thưởng thức món bún cá Long Xuyên sẽ khó quên mùi vị khi rời xa mảnh đất này.
Đến An Giang, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy những con bò cạp đen nhánh, to gần bằng con dế cơm bày bán ở khu vực vùng Bảy Núi.
Bò cạp là nguyên liệu chính để làm nên món bò cạp Bảy Núi đặc biệt thơm ngon. Bò cạp thường được bắt về cho vào thau ngâm vài ngày cho sạch bụng, để nguyên con rửa rồi cho vào chảo chiên. Trong chốc lát, bò cạp chín bốc mùi thơm không thể cưỡng lại. Du khách có thể ăn bò cạp chiên kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và chấm với muối tiêu chanh hoặc nước tương. Bò cạp Bảy núi là món ngon nằm trong Top những món đặc sản An Giang không thể bỏ qua do Viet Fun Travel chia sẻ. Du lịch An Giang du khách đừng bỏ lỡ cơ hội nếm thử món này.
Ngoài ra, còn rất nhiều món ngon tại An Giang mà các bạn có thể chưa biết, hãy xách ba lô và lên đường đi đến Châu Đốc An Giang thôi nào !