Chợ người Việt tại Thái Lan
Ở Thái Lan, có một khu chợ nhỏ chỉ họp vào dịp cuối tuần của bà con Việt Kiều tại ngay trung tâm Bangkok. Đây không chỉ là nơi mua bán những sản vật của Việt Nam mà còn là nơi mà những người con Việt Nam xa xứ tìm đến, cảm nhận một chút hương vị và không khí của quê hương.
Người Việt Nam, dù có đi đâu xa xôi, trong lòng vẫn luôn lưu giữ tình cảm nồng nàn và niềm nhớ thương với quê hương Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt cũng lưu giữ những giá trị truyền thống, rất “Việt Nam”.
Vốn đã nghe về chợ người Việt ở trung tâm Bangkok từ trước đó nên một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, nhóm bốn người chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng để bắt xe buýt đến đường Samsen 11-13, Bangkok (vì nghe nói chợ chỉ họp từ 6 giờ đến 10 giờ sáng). Đường phố Bangkok ngày chủ nhật không đông đúc, cũng không quá tắc đường như mọi khi. Đường đến khu chợ Việt khá thuận lợi cho chúng tôi.
Chợ Việt ở Bangkok mang dáng dấp của phiên chợ quê truyền thống
Khu chợ Việt nằm khiêm tốn trong một con hẻm của đường Samsen, sát nhà thờ Saint Francis Xavier Bangkok. Thật ra, khi chúng tôi vào chợ, chúng tôi không biết chắc rằng đây có phải là chợ Việt mà mình đang tìm không?
Rất may, chúng tôi thấy một xe hàng nhỏ có bày bán trên đó những hộp cà phê, giò lụa, bánh tráng... Thấy có tôi đang ngơ ngác tìm kiếm, lại mặc chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng, chị bán hàng hỏi thăm bằng một giọng tiếng Việt lơ lớ “em đến chợ Việt Nam phải không?” Mừng rỡ, tôi đáp “vâng ạ”, vậy là đã chắc chắn chúng tôi đã đến đúng nơi rồi.
Xe hàng của chị Đông nằm ngay lối vào chợ Việt
Xe hàng của chị Đông gồm toàn những món ăn rất Việt Nam như: giò, chả chiên, lạp xưởng, hành phi khô, ruốc…là những món ăn Việt Nam được chế biến và vận chuyển từ vùng Đông Bắc của Thái Lan, chủ yếu là ở tỉnh Mukdahan.
Bên cạnh đó, chị cũng nhập từ Việt Nam một số thứ khác như cà phê, bánh tráng… Chị Đông cho biết quê gốc của chị là ở Huế, gia đình chị sang Thái Lan sau năm 1954 và chị được sinh ra ở đây. Chị buôn bán ở chợ này cũng được hơn 20 năm rồi.
Chị nói vui là bây giờ các con chị đã “mất gốc”, các cháu không nói được tiếng Việt. Chị chia sẻ rằng chị mới được về Việt Nam lần đầu tiên vào tháng 4 vừa rồi và thấy Việt Nam giờ rất đẹp và hiện đại. Chị nói chuyện vui vẻ và hướng dẫn chúng tôi tham quan chợ Việt.
Vì đi từ sáng sớm nên chúng tôi không kịp ăn sáng. Chúng tôi đi tìm một quán nào đó, và thật tuyệt khi có khá nhiều lựa chọn cho một bữa sáng với những món ăn Việt Nam.
Dạo một lát, chúng tôi quyết định ghé vào một quán nằm đối diện nhà thờ. Chủ quán là cụ Liên, năm nay 78 tuổi, quê gốc Hà Tĩnh. Cụ được sinh tại Thái Lan khi gia đình cụ sang Thái định cư từ đầu thế kỷ hai mươi. Cụ có năm người con. Hôm nay là chủ nhật, hai con trai được nghỉ nên giúp mẹ bán hàng. Quán của gia đình cụ Liên có thực đơn ăn sáng khá phong phú với những món ăn Việt Nam như: dồi heo, bánh xèo, bánh cuốn, bò bía, thịt xiên nướng, cá viên chiên, chả nem chiên…
Chúng tôi đã có một bữa ăn sáng rất ngon và đậm đà hương vị quê hương. Cụ Liên cũng hỏi thăm và trò chuyện với chúng tôi bằng giọng tiếng Việt còn khá rõ. Cụ cho biết gia đình cụ đã sống ở Bangkok hơn 50 năm nay, các con của cụ cũng đã trưởng thành và có việc làm ổn định, nhưng cụ vẫn duy trì quán ăn này như để lưu giữ những nét truyền thống của quê hương nơi đất khách và cho những người Việt xa quê có một địa chỉ để thưởng thức những món ăn truyền thống của quê hương.
Cụ hào hứng kể chia sẻ rất thường xuyên được về Việt Nam và thấy quê hương đang thay đổi từng ngày, cũng không quên nhắc đến sự đùm bọc, giúp đỡ quý báu và nhiệt tình của người Thái đối với người Việt ngay từ những ngày đầu tiên họ đến định cư.
Chúng tôi đang trò chuyện với cụ Liên thì có một Việt kiều khác vào quán, cụ cũng tên là Liên, là hàng xóm của cụ Liên chủ quán. Gặp chúng tôi, cụ cởi mở làm quen và trò chuyện. cụ Liên năm nay cũng 78 tuổi, gia đình cụ gốc Bạc Liêu. Một hồi nói chuyện, cụ mời chúng tôi về nhà cụ chơi cho biết nhà.
Nhà cụ Liên Bạc Liêu nằm trong một con hẻm với lối đi vào khá ngoằn nghèo, chủ yếu là của Việt kiều. Ở đây có 2 “kiểu” Việt kiều: Việt kiều “cũ” là thế hệ trước của cụ, di cư sang Thái Lan. Còn thế hệ các cụ là Việt Kiều “mới”, là những người được sinh ra tại Thái Lan.
Nhà cụ Liên có diện tích khá nhỏ, khoảng 35m2 với 2 tầng, được làm bằng gỗ, cơi nới thêm nên cũng không chật lắm. Hiện giờ cụ ở với 2 người con, các con còn lại thì đi làm ở xa hoặc lập gia đình bên Mỹ.
Trò chuyện với cụ, cụ cho biết Việt kiều ở đây luôn một lòng hướng về quê hương, kính yêu Bác Hồ. Họ cũng dành một tình cảm đặc biệt cho nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Hàng ngày, cụ theo dõi tình hình đất nước qua kênh VTV4, và cũng giống như hầu hết người Nam Bộ, cụ rất mê vọng cổ và cải lương.
Chia tay với cụ Liên trong lưu luyến, chúng tôi xin phép ra về và không quên hứa sẽ trở lại thăm cụ. Trước khi ra về, chúng tôi rẽ qua gian hàng của chị Bé, quê Quảng Nam mua bánh chưng, giò chả, bánh tráng, nem chua… mang về cho một bữa ăn Việt Nam nơi đất khách.
Gian hàng của chị Bé tại chợ Việt Samsen bán bánh chưng, nem chua, giò, bánh tráng, chè, café…
Chỉ một buổi sáng ở chợ Việt Samsen, chúng tôi đã có khoảng thời gian rất ấm áp và phần nào vơi đi nỗi nhớ quê xa. Chúng tôi cảm nhận được bà con Việt kiều tại chợ Samsen nói riêng cũng như trên khắp Thái Lan nói chung luôn hướng về Tổ quốc với những tình cảm đặc biệt. Chợ Việt Samsen ở Bangkok thực sự là nơi lưu giữ và quáng bá những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, là nơi dành cho những người Việt đến để vơi đi nỗi nhờ nhà, và là nơi để bạn bè quốc tế đến để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.
Nếu bạn có dịp đến Thái Lan, đừng quên dành một buổi sáng Chủ hhật để đến thăm khu chợ Việt đặc sắc này.